Lịch sử North_Melbourne,_Victoria

Người di cư bắt đầu đến sinh sống vùng đất này vào thập niên 1840. Lúc đó chỉ mới có vài nông trại gia súc, và chưa có phân vạch địa giới của vùng nên địa bàn North Melbourne bao trùm cả các vùng Parkville và Công viên Hoàng gia, cùng một phần vùng West Melbourne ngày nay.

Vào thập niên 1850, một khu nhà lưu trú xã hội (Benevolent Asylum) được chính quyền thuộc địa dựng lên tại khu đất giữa đường Abbotsford và đường Curzon Street để nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng gia tăng của giới đào vàng tứ xứ. Nhà lưu trú này đến tận năm 1911 mới được tháo dỡ để chuyển về vùng Cheltenham phía nam thành phố.[4] Đến năm 1859, nhà chức trách mới chính thức đặt tên vùng đất này là Hotham, theo họ của viên thống đốc thuộc địa Victoria đương thời - Ngài Charles Hotham. Khi ấy, Hotham mang hàm thị trấn (borough). Bưu điện Hotham khánh thành và đi vào hoạt động ngày 20 tháng 3 năm 1860.

Đến năm 1861, thị trấn Hotham đã có trên 7,000 người sinh sống.

Năm 1869, người chơi bóng bầu dục trong vùng thành lập Câu lạc bộ Bóng bầu dục Carlton (Hotham Football Club), sau này trở thành thành viên sáng lập Hiệp hội Bóng đá Úc Victoria (VFA). Đội bóng này ngày nay còn có biệt danh là North Melbourne Kangaroos.

Khu chung cư ngay cạnh trung tâm vùng. Bìa phải chính là tháp đồng hồ của Tòa thị chính (bây giờ là thư viện North Melbourne).

Ngày 26 tháng 8 năm 1887, thị trấn Hotham được nâng lên thành thị xã North Melbourne (North Melbourne Town), với một tòa thị chính và Chợ Thịt Thành phố.[4]

Vào khoảng thập niên 1880, phần lớn cư dân trong vùng thuộc tầng lớp lao động, với phần lớn nam giới làm việc trong các nhà xưởng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở trong vùng. Giới trung lưu sống tập trung tại những con đường có hàng cây xanh như Dryburgh, Chapman và Brougham. [3] 

Những năm 1890, khánh thành tuyến xe điện mặt đất từ trung tâm thành phố đi qua vùng North Melbourne. Đường ray chạy dọc theo các phố Victoria Street, len lỏi qua khu trung tâm thương mại rồi đi dọc theo đường Abbotsford Street để ra đường Flemington.

Do nhập cư ồ ạt nên đến khoảng thập niên 1930, nhiều khu phố ở đây, đặc biệt là các ngõ hẻm, trở nên đông đúc đến quá tải. Điều kiện sống tồi tàn đến mức được liệt kê thành các khu ổ chuột. Các ban ngành thành phố và tiểu bang đã hoạch định và triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội, nhưng mãi đến tận những năm 1960, các khu nhà ở xã hội đầu tiên mới chính thức khai trương và đi vào hoạt động.